Phù Nam & Chân Lạp Phù_Nam

Bộ cọc gỗ nhà sàn của cư dân Phù Nam (Bảo tàng An Giang).

Sách Lịch sử Campuchia viết:Cho tới nay, vẫn còn không ít người cho rằng nước Phù Nam là tiền thân của nước Chân Lạp.Quan điểm nhầm lẫn này được nêu ra đầu tiên trong các công trình nghiên cứu của các học giả của Trường Viễn Đông bác cổ từ nửa đầu thế kỷ 20.

Sau, nhờ những nguồn thư tịch cổ của Trung Quốc và các cuộc khai quật khảo cổ[36], các nhà nghiên cứu mới có đủ bằng chứng để xác định hai quốc gia này không phải là một.

Tùy thư chép:

Chân Lạp ở về phía Tây Nam nước Lâm Ấp. Nguyên trước là thuộc quốc của Phù Nam. Sau họ ngày một hùng cường, vua Chân Lạp là Ksatriya Citrasena chiếm được Phù Nam và bắt thần phục...[37]

Sử nhà Lương chép:

Nước Phù Nam ở phía Nam quận Nhật Nam, trong một vịnh lớn ở phía Tây biển. Nước cách Nhật Nam chừng 7.000 lý và cách Lâm Ấp hơn 3.000 lý về phía Tây Nam. Đô thành cách biển 500 lý...

Tân Đường thư mô tả tương tự:

Nước Phù Nam ở cách quận Nhật Nam bảy ngàn lý về phía Nam…, đất thấp như Hoàn Xương, có thói quen lập những thành phố bọc tường…Vua của họ đóng đô ở thành Đặc Mục. Thành ấy bị Chân Lạp đánh bất ngờ, phải dời đến thành phố Na Phất Na ở phía Nam...[38]

Từ đó, rút ra được hai điểm chính:

  • Vị trí của mỗi nước đều đã được xác định khá rõ ràng, tuy hai nước này có những mối quan hệ với nhau về nhiều mặt.
  • Ban đầu, nước Chân Lạp là một thuộc quốc của Phù Nam, sau dần lớn mạnh, không những cởi bỏ được ách thống trị và còn bắt Phù Nam thần phục lại mình. Sự kiện này xảy ra vào khoảng nửa thế kỷ 7 (sau năm 627). Từ đấy trở đi, có thể nói Phù Nam đã bị diệt vong và đất nước của họ bị sát nhập vào lãnh thổ của Chân Lạp.

Mãi sang tới thế kỷ 17 - thế kỷ 18, phần lãnh thổ xưa kia được coi là trung tâm của Phù Nam, tách khỏi đế quốc Ăngco (tức Chân Lạp) để trở thành một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam, tức Nam Bộ ngày nay.[39]